In trang: 


Bình đẳng giới trong đời sống xã hội, phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế

Đăng ngày:4/26/2025 9:31:16 AM bởi admin

Bình đẳng giới trong đời sống xã hội, phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế

Bình đẳng giới trong đời sống xã hội, phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế

Nói về vai trò, tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội, văn hào nổi tiếng người Nga-Macxim Gorky đã viết:

“ Trời không ánh sáng hoa nào nở

Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu

Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ

Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”.

Người phụ nữ được ví như ánh sáng mặt trời làm hoa cỏ của đất trời đâm chồi, nảy lộc, mang hương sắc đến cho cuộc đời thêm tươi vui. Phụ nữ được tạo hóa, ban tặng thiên chức cao quý là được làm vợ, làm mẹ, từ đó biết bao thế hệ anh hùng được sinh ra và nuôi nấng bởi những người mẹ anh hùng như thế.

Bình đẳng giới là sự công bằng, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và nhiều vấn đề khác trong đời sống xã hội giữa nam và nữ.

Dọc theo chiều dài địa lý của đất nước hình chữ S, cũng như bề dày lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam ta, chẳng khó khăn gì để kể về những người con gái anh hùng, những người phụ nữ giỏi giang chẳng thua kém gì cánh mày râu. Họ đã sống, đã cống hiến cả thanh xuân, công sức, trí tuệ, tình yêu, thậm chí cả mạng sống cho nền độc lập, cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Tên tuổi của họ ngày ấy, bây giờ và cả mai sau có lẽ mãi mãi được xướng  tụng, ngợi ca.

Sinh ra trong thời chiến, những người con gái anh hùng, chí khí ngất trời như hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, chị Võ Thị Sáu, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, hay mười cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc,... họ sẵn sàng cống hiến cả sức trẻ, tuổi xuân của mình cho dân tộc, đã được sử sách ghi danh và là niềm tự hào của Tổ quốc về những người con đất Việt hết sức tuyệt vời.

Có thể nói, dù là ở thời chiến hay thời bình, từ ngày xưa hay ở hiện tại, sự tài giỏi và khí chất của người phụ nữ là điều mà bất cứ ai cũng phải công nhận. Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế của mình thông qua các vị trí, chức vụ, hay bằng những đóng góp của mình cho không chỉ cho đất nước mà còn cho cả thế giới. Có biết bao chính trị gia, doanh nhân, nhà kinh tế, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ giỏi, chủ tịch các tập đoàn lớn là phụ nữ, họ còn làm tốt và mang đến hiệu suất công việc hiệu quả rất nhiều. Bên cạnh đó, họ vẫn làm rất tốt vai trò của một người vợ, người mẹ, là người chăm sóc và giữ lửa cho mái ấm gia đình.

Tuy nhiên, thực tế tư tưởng người dân  một số nơi vẫn chưa xóa hẳn định kiến cổ xưa rằng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Vâng, thà có một đứa con trai thì được xem là có con, còn dù cho có mười đứa con gái cũng được xem là không có. Ở một số vùng đồng bào dân tộc, một số huyện miền núi, các tỉnh ven biển hay thậm chí một số ít gia đình ở tại các thành phố lớn nhưng tư tưởng lạc hậu ấy vẫn còn, việc mong muốn con trai khi vợ mang bầu vẫn là thực trạng, phụ nữ đi khám và canh trứng để có thể sinh được con trai, những bà bầu mong ngóng giới tính con, rồi nhiều cặp vợ chồng vì mong muốn con trai nên nào là tìm hiểu nghiên cứu đủ biện pháp để có được con trai...Rất nhiều cặp vợ chồng quan niệm rằng có con trai đầu lòng cho chắc, hoặc chỉ cần một đứa con trai là vui vẻ cả nhà.

Chính vì sự yếu kém nhận thức này mà đã tạo nên sự mất cân bằng giới tính sau sinh ở trẻ em trong vòng mấy năm qua mãi mà chưa khắc phục được, gây ra tỷ lệ mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ.

Việc mất cân bằng giới tính sẽ đưa ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng, đe dọa đến sự phát triển và ổn định của đất nước. Mất cân bằng giới tính đưa đến tình trạng thừa nam thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn, nam giới khó lấy vợ, kết hôn muộn, hoặc không thể kết hôn. Tình trạng này cũng làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình cũng như nhiều hệ lụy khác. Phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tăng bất bình đẳng giới. Mất cân bằng giới tính sẽ gây thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề như: Giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, điều dưỡng nữ... nguy cơ tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em tăng cao.

Vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở ý thức người dân. Bản thân người dân chưa thấy được những tác hại của việc mất cân bằng bình đẳng giới, tệ nạn xã hội có thể xảy ra, dẫn đến những hậu quả không hề nhẹ từ mất cân bằng giới tính. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài công tác tuyên truyền vận động của ngành Y tế- Dân số, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể là vô cùng cần thiết.

Ngày nay, phụ nữ và trẻ em gái luôn được Đảng và nhà nước quan tâm, ưu ái, bảo vệ về nhiều mặt, nhất là đời sống tinh thần. Vì vậy, để góp phần cho sự phát triển đất nước, bản thân người phụ nữ hãy luôn tự tin, cố gắng phát huy vai trò của mình. Các bậc cha mẹ hãy chăm lo nuôi con khỏe, dạy con thành người tốt, có ích cho gia đình-xã hội, thay đổi quan niệm về con trai, con gái, xóa bỏ đi những quan niệm lạc hậu, cổ hủ, lệch lạc về giới./.

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về TRUNG TÂM Y TẾ TUY ANIn trang: