In trang: 


Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2024

Đăng ngày:2/2/2024 1:23:13 PM bởi admin

Ngày 02/02 hàng năm được chọn làm Ngày Đất ngập nước Thế giới. Chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2024 là “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”. Thông điệp này với mục tiêu làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên

Ngày 24 tháng 01 năm 2024 Sở Y tế Phú Yên có chỉ đạo tại Văn bản số: 197/SYT-NVY V/v hưởng ứng Ngày đất ngập nước thế giới năm 2024. Theo đó, ngày 02/02 hàng năm được chọn làm Ngày Đất ngập nước Thế giới. Chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2024 là “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”. Thông điệp này với mục tiêu làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên thế giới. Các vùng đất ngập nước có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống con người thông qua các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ, điều tiết và văn hóa. Những lợi ích mà vùng đất ngập nước mang lại giúp duy trì sự sống và là trung tâm của phúc lợi cho con người. 

Hệ sinh thái ĐNN ở Việt Nam rất đa dạng:

- Các vùng có HST hoàn toàn nước ngọt như: sông, suối, hồ, ao, ruộng lúa, thủy vực ngầm trong hang đá, trảng cỏ ngập nước theo mùa…

- HST vùng nước lợ như: đầm lầy, kênh rạch, đầm lầy than bùn, cửa sông…

- HST vùng biển, ven bờ, đảo trên vùng biển như: rừng ngập mặn, bãi triều, vũng, vịnh...

- HST ĐNN vùng biển đảo và vùng nội địa được đánh giá có tính ĐDSH cao bởi sự cấu trúc thành phần các loài thực vật, động vật. Việt Nam có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó nhiều đảo có diện tích lớn như Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Lý Sơn,...

Vai trò của hệ sinh thái ĐNN:

a) Vai trò đối với thiên nhiên và môi trường:

- Lọc nước thải: một vùng ĐNN có giá trị khoảng vài chục hectar  sẽ có khả năng lọc và xử lý nước thải tương đương với một trạm xử lý nước nhiều triệu USD. Ước tính khoảng 70%N-NH4, 99% nitrit và N-NO3 và 95% P tổng số hòa tan được loại bỏ khi nước thải đi qua ĐNN.

- Giữ và ổn định nước ngầm: nước được thấm từ các vùng ĐNN xuống các tầng ngập nước trong lòng đất, nước được giữ ở đó và điều tiết thành dòng chảy bề mặt ở vùng ĐNN khác cho con người sử dụng.

- Hạn chế ảnh hưởng lũ lụt: bằng cách giữ và điều hoà lượng nước mưa như “bồn chứa” tự nhiên, giải phóng nước lũ từ từ, vì vậy có thể làm giảm hoặc hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu.

- Điều hòa khí hậu, chống xói mòn, ổn định bờ biển, chắn gió bão: nhiều nghiên cứu cho thấy, ĐNN có thể làm giảm những tác động từ biến đổi khí hậu, mặc dù chúng chỉ chiếm 6-8% diện tích bề mặt Trái đất do chu trình trao đổi chất và nước trong các hệ sinh thái. Nhờ lớp phủ thực vật của ĐNN, sự cân bằng của O2 và CO2 trong khí quyển làm cho vi khí hậu địa phương được ổn định, đặc biệt là nhiệt độ và lượng mưa.

- Các HST ĐNN ven biển: rừng ngập mặn còn có vai trò trong việc mở rộng đất đai, bồi tụ và tạo vùng đất mới. Ví dụ trong 60 năm gần đây, vùng bán đảo Cà Mau được bồi thêm khoảng 8.300ha.

- Là nơi trú chân của nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim nước, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có ý nghĩa quốc tế. Các HST rừng ngập mặn và rừng tràm có nhiều giá trị trong việc cung cấp sản phẩm, duy trì cân bằng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, cung cấp nơi kiếm ăn, khu cư trú cho các loài chim qúi hiếm như: Sếu đầu đỏ, Cồng cộc, Ô tác, Giang sen,...

b) Vai trò đối với con người:

- ĐNN là những hệ sinh thái có năng suất cao, cung cấp cho con người nhiều loại nhiên liệu, thức ăn, cung cấp 20% nguồn thực phẩm trên toàn cầu.

- Hàng năm, ĐBSCL cung cấp trên 40% tổng sản lượng lương thực của cả nước và là nơi cư ngụ của trên 17 triệu người, sản lượng lương thực và thủy sản của toàn đồng bằng đóng góp 1/3 tổng thu nhập quốc dân của cả nước.

- Rừng còn góp phần điều tiết nguồn nước ngọt, khí hậu, duy trì độ ẩm không khí và hạn chế quá trình bốc hơi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Cung cấp nguồn lợi thuỷ hải sản: cá, cua, tôm,…

- Ổn định nông nghiệp thông qua việc duy trì các mức nước. Ví dụ: lúa là một thực vật phổ biến của ĐNN, là nguồn thực phẩm của hơn một nửa nhân loại.

- Sản xuất gỗ: rừng ngập mặn, rừng tràm,…

- Cung cấp các nguồn năng lượng, như than bùn và khoáng vật. Rừng tràm có khoảng 305 triệu tấn than bùn.

- Các nguồn tài nguyên động vật hoang dã: các vùng ĐNN hỗ trợ cuộc sống của rất nhiều quần thể chim, động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, cá và các loài động vật không xương sống,…

- Các cơ hội giải trí và du lịch: các vùng ĐNN còn có các đặc tính đặc biệt về di sản văn hoá của loài người. Các hệ sinh thái ĐNN có nhiều thuận lợi cho du lịch sinh thái, xây dựng các khu dự trữ sinh quyển, các vườn quốc gia,…

- Giao thông thủy: hầu hết các kênh rạch, sông, các vùng hồ chứa nước lớn, vùng ngập lụt thường xuyên hay theo mùa,…đặc biệt vùng ĐBSCL giao thông thủy đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cũng như phát triển kinh tế của các cộng đồng địa phương.

Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển HST ĐNN:

- Cần có những chế tài đủ mạnh để quản lý và phát triển HST ĐNN.

- Bảo vệ hiệu quả các rạn san hô, thảm cỏ biển những khu rừng ngập mặn còn sót lại hiện nay. Đồng thời, trồng gia cố, chăm sóc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn đã được trồng trong những năm gần đây.

- Kiểm soát thường xuyên để kịp thời loại trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trong HST ĐNN.

- Bảo đảm nguồn nước sạch, lưu thông chống ô nhiễm nguồn nước tại các khu ĐNN của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu Ramsar trong các vùng miền của đất nước.

- Bảo vệ và trồng thật nhiều cây ven các sông, suối lớn, hồ lớn bằng các loài thực vật ưa ẩm, chịu được các điều kiện thay đổi về độ mặn, tạo hành lang xanh vững chắc để ngăn ngừa và làm nơi thích ứng cho cuộc sống của các loài khi thời tiết thay đổi thất thường.

- Cần có dự báo cụ thể trên cơ sở khoa học các vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng (khoanh trên bản đồ) để có biện pháp ngăn ngừa, thích ứng khi có khí hậu cực đoan xảy ra. Triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo dõi kiểm kê và giám sát sự diễn biến của ĐDSH như thảm cỏ, các rạn san hô, các loài chim, voọc, khỉ, sóc, dơi, các loài thủy sinh vật và các khu rừng ngập mặn dưới tác động của BĐKH qua từng thời kỳ.

- Xây dựng các tiêu chí hướng dẫn cộng đồng địa phương sử dụng khôn khéo các loài có giá trị kinh tế ở HST ĐNN ở các địa phương.

- Cần có chính sách phù hợp giúp cộng đồng địa phương phát triển nền kinh tế xanh nhằm góp phần cải thiện đời sống tinh thần và vật chất bằng các nguồn tài nguyên vùng ĐNN ở các địa phương (du lịch sinh thái bền vững), nuôi trồng các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế.

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý các cấp, Bộ, cộng đồng về vai trò, chức năng quan trọng của HST ĐNN đối với cuộc sống hiện tại và tương lai. Có cơ chế phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương./.

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về TRUNG TÂM Y TẾ TUY ANIn trang: