Phòng bệnh dại - Căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại
Đăng ngày:2/24/2022 2:56:41 PM bởi adminPhòng bệnh dại - Căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại
Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại. Theo thống kê, 100% các trường hợp mắc bệnh dại do virus dại cổ điển đều tử vong mà chưa có biện pháp điều trị.
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là một bệnh do vi-rút lây truyền từ động vật sang người. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể thể liệt, trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.
Mức độ nguy hiểm của bệnh dại
Hiện nay theo các thống kê 100% các trường hợp mắc bệnh dại do virus dại cổ điển đều tử vong mà chưa có biện pháp điều trị. Cho đến nay trên thế giới mới chỉ ghi nhận bảy trường hợp bệnh nhân sống sót sau khi được chăm sóc tích cực. Phần lớn các trường hợp này đã được tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm nên có thể đã làm thay đổi diễn biến của bệnh. Duy nhất một trường hợp người mắc bệnh do bị dơi cắn dù không được tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm nhưng vẫn sống sót. Tuy vậy, trường hợp này không phải do vi rút dại cổ điển gây ra. Và cũng chưa có trường hợp nào ghi nhận là dùng thuốc nam hay các loại dược liệu điều trị thành công bệnh dại được báo cáo. Do đó, người dân không nên tin vào quảng cáo của những người bán thuốc này.
Đường lây truyền của bệnh dại
Vi-rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của động vật bị dại khi cắn hoặc cào trầy xước một ai đó. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng và mũi của người.
Nguyên nhân lây truyền dại đa số là do chó cắn (chiếm 96% tại các nước Đông Nam Á), tiếp theo là các loài khác như mèo, các loài động vật hoang dã như cầy, chó sói, cáo... Rất hiếm trường hợp truyền bệnh dại từ chuột và khỉ.
Xử trí thế nào khi bị động vật cắn để phòng bệnh dại?
Đối với vết thương:
• Vết thương cần được rửa và dội ngay lập tức với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
• Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có.
• Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
• Tránh:
+ Sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm.
+ Băng bó, đắp thuốc kín vết thương
Đối với con vật cắn:Cần nuôi nhốt, theo dõi sát động vật gây ra vết thương ít nhất 10 ngày. Tuy nhiên không trì hoãn việc điều trị dự phòng trong thời gian theo dõi này.
Bảng phân loại các chỉ định điều trị dự phòng phơi nhiễm dại:
Lưu ý:
Phơi nhiễm với động vật gặm nhấm, thỏ hoặc thỏ rừng không cần phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại.
Việc theo dõi tình trạng con vật chỉ áp dụng đối với chó và mèo. Ngoại trừ các loài nguy hiểm, những loài động vật nuôi và động vật hoang dã khác nghi ngờ bệnh dại có thể lấy mẫu chẩn đoán phòng thí nghiệm xác định sự hiện diện của kháng thể dại.
Những vết cắn đặc biệt là vết cắn ở đầu, mặt, cổ, tay và bộ phận sinh dục là phân loại độ III vì có rất nhiều đầu dây thần kinh ở khu vực này.
Nếu con chó đã được tiêm phòng dại đúng cách và hiệu quả của vắc-xin đã được phòng thí nghiệm xác nhận thì không cần tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn, cần dùng vắc-xin điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thích hợp.
Đôi điều về vắc xin phòng dại
Các vắc xin dại hiện đại là vắc xin an toàn và hiệu quả cao, được tiêm chủng và tạo được miễn dịch trong thời gian dài hơn - điều này rất quan trọng khi tính đến thời gian ủ bệnh kéo dài của bệnh dại khi bị nhiễm vi rút dại.
Các loại vắc xin phòng dại hiện đại đều bất hoạt, an toàn, hiệu quả và có thể sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang cho con bú. Nó không có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi cũng như trẻ trong quá trình bú sữa mẹ. Không có bằng chứng cho việc vi rút dại qua được hàng rào nhau thai mẹ và những đứa trẻ được sinh ra qua mổ lấy thai đều hoàn toàn khỏe mạnh.
Trên thế giới, hiện chưa có loại vắc-xin phòng bệnh dại liều đơn nào mà có thể tạo miễn dịch suốt đời. Có các vắc-xin liều đơn nhưng chỉ tạo khả năng miễn dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, các trường hợp đã tiêm vắc-xin phòng dại trước đây mà tiếp tục phơi nhiễm với bệnh dại cần được đưa đến cơ sở y tế ngay để được điều trị dự phòng thích hợp.
Và tất cả các loại vắc-xin dại cho người đều đã được bất hoạt. Vắc-xin phòng dại trên người phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Việc tiêm phòng bệnh dại không thể gây bệnh dại.
BS. Phạm Văn Phúc
(Báo Sức khỏe đời sống)
Nguồn tin: