Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Qua điều tra giám sát tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Phú Yên Từ 01/01 đến 31/7/2024, có 33 ca nghi sởi, rubella, lấy mẫu được 23 ca (01 ca rubella dương tính, số còn lại âm tính), đã ghi nhận 01 ca tử vong liên quan đến sởi và 01 ca sởi dương tính. Số ca nghi mắc sốt phát ban nghi sởi, rubella chủ yếu ghi nhận tại huyện Tây Hòa (17 ca), TP. Tuy Hòa (06 ca), huyện Tuy An (04 ca), huyện Sơn Hòa (02 ca). Độ tuổi mắc sốt phát ban nghi sởi, rubella chủ yếu tập trung trong độ tuổi từ 1-4 tuổi
Bệnh Sởi có thể gặp ở mọi đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh và thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non,…
Sởi đã có vắc xin phòng bệnh, vắc xin phòng bệnh Sởi đem lại hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ mắc rõ rệt.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi: Sốt và phát ban là hai biểu hiện chính của bệnh. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sần (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân. Sau 7 đến 10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra bệnh còn kèm theo một số biểu hiện khác như: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy…
Xử trí khi trẻ mắc sởi, nghi ngờ sởi: Cách ly trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi với trẻ không mắc bệnh trong vòng 7 ngày từ khi phát ban. Cho trẻ ở phòng riêng và đảm bảo thông thoáng; Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ mắt của trẻ; Cho trẻ uống nhiều nước (Oresol, nước lọc…) đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy; Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày.
Các biện pháp phòng bệnh sởi: Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, nên dự phòng là yếu tố tiên quyết.
1. Tiêm phòng
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi,
Mũi 2 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Trẻ dưới 2 tuổi được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tại các trạm y tế xã/phường. Trẻ trên 2 tuổi và người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần tiêm sớm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.
2.Vệ sinh phòng bệnh
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng.
Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin phòng sởi đầy đủ và đúng lịch