Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến rất phức tạp với hàng trăm ngàn ca nhiễm mới. Điều này đã gây ra nhiều quan ngại cho mọi người. Tổ chức y tế thế giới vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai. Từ đầu tháng 4 đến nay tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Theo bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 14/5 của Bộ y tế: Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 trong tổng số 231 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca mắc covid 19 từ đầu dịch đến nay đạt 11.590.617 ca nhiễm và đứng thứ 120 về tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân (bình quân cứ 1 triệu người có 117.132 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch của các cấp, các ngành thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần chủ động:
- Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
- Cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh và tự giác thực hiện những khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế về các việc nên làm, không nên làm để phòng chống dịch COVID-19.
- Đề cao ý thức tự chăm sóc sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng và thể lực để nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình.
- Tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch để duy trì miễn dịch.
- Chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID19 theo yêu cầu của các cấp, chính quyền.
- Cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn):
+ KHẨU TRANG: đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Các trường hợp bắt buộc đeo khẩu trang, cụ thể là:
- Tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4.
- Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19.
- Tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế, nơi lưu trú có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế: áp dụng tất cả các đối tượng (trừ người cách ly trong phòng đơn, người bị suy hô hấp, người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi)
- Đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid 19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi,…): áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách
- Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: Áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng
- Tại nơi có không gian kín, không khí kém (quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay: áp dụng với nhân viên phục vụ, bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
- Tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người: áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự.
- Tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: Áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng
+ KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa, lớp học thông thoáng.
Vì “Chống dịch như chống giặc”
Vì một Việt Nam khỏe mạnh, hãy chung tay đẩy lùi dịch bệnh./.