Hướng dẫn lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

admin24/01/2025 03:41 PM

Năm hết, tết đến, bên cạnh việc mua sắm, sửa sang, trang trí lại nhà cửa thì bữa tiệc sum họp gia đình trong những ngày tết là không thể thiếu. Do vậy, nhu cầu về thực phẩm và các loại hàng hóa luôn tăng cao, chính vì thế thị trường mua bán phục vụ người dân trong dịp Tết cũng trở lên vô cùng sôi động. Để giữ trọn niềm vui và đảm bảo sức khỏe của mọi người trong dịp Tết, mỗi gia đình cần biết cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm tươi sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số lưu ý về an toàn thực phẩm và biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết sau đây sẽ góp phần giữ trọn niềm vui trong những ngày xuân. 

1. Đối với thực phẩm chế biến bao gói sẵn:

Theo quy định Nghị định số 15/2018/NĐCP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan địa phương được phân công tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, với các sản phẩm này khi lưu thông trên thị trường phải tuân thủ quy định về ghi nhãn sản phẩm.

Căn cứ Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau:

“[1] Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa

[2] Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

+ Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

[3] Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu”.

Việc đọc nhãn thực phẩm, giúp người tiêu dùng có lựa chọn thông minh, phù hợp với cho chính bản thân và gia đình.

2.Đối với thực phẩm tươi sống

Nên mua ở các hàng quen, uy tín, nơi bán sạch sẽ. Với thịt, chọn loại có màu sắc tươi đặc trưng của từng loại gia súc, gia cầm; thịt có độ đàn hồi, thớ thịt mịn bóng, vết cắt có màu sắc bình thường, khô. Không chọn thịt có mùi lạ, mùi ôi hay có mùi thuốc kháng sinh.

Với các loại thủy, hải sản, tốt nhất là chọn thủy, hải sản còn sống, hoặc ít nhất là phải được bảo quản trong đá lạnh. Cá tươi phải có miệng ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy bám chặt vào thân cá, mang phải đỏ hồng. Phân biệt mùi tanh tự nhiên với mùi hôi tanh do hải sản bị phân hủy, ươn, thối.

Rau, củ, quả lựa chọn loại còn tươi, màu sắc tự nhiên, nguyên cuống, không dập nát, héo úa... Không nên mua rau, quả trái mùa, rau quá non, quá mập, quả màu sắc quá đẹp vì dễ có thuốc kích thích, thuốc bảo quản. Không mua các loại củ đã mọc mầm, đặc biệt khoai tây mọc mầm rất độc.

3. Chú ý thực hành vệ sinh, phân loại, bảo quản và chế biến thực phẩm tốt

Thực hành với các bữa ăn hàng ngày cũng như các bữa ăn trong ngày Tết của gia đình bạn sẽ trở nên an toàn hơn nếu bạn thực hiện tốt các thực hành sau đây:

Rửa sạch tay với nước và xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm.

Rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy.

Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn và để riêng các loại thịt, gia cầm, hải sản, trứng sống ra khỏi các thực phẩm khác khi đi chợ và khi bảo quản trong tủ lạnh.

Bảo quản các loại thực phẩm tươi sống cần phải tách biệt với các loại thực phẩm đã được nấu chín.

Nấu chín kỹ các loại thực phẩm. Hạn chế ăn trực tiếp các thực phẩm tươi sống hoặc lên men nếu các thực phẩm này không được bảo quản đúng, các loại thực phẩm có dấu hiệu nhiễm nấm mốc.

Đối với sử dụng thực phẩm cần lưu ý:

Đối với thức ăn thừa, cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá, trước khi dung lại cần hâm nóng đủ thời gian.

Đối với các thực phẩm đông lạnh, rã đông trước khi nấu bằng một trong các cách sau: rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm, rã đông dưới vòi nước chảy, hoặc bằng lò vi sóng. Thực phẩm đã giã đông thì không cấp đông lại.

Nên chú ý đối với mâm cơm cúng ngày Tết, lưu ý thực hiện nguyên tắc ăn đồ ăn trong thời gian là 4 giờ, sau 4 giờ muốn ăn thì đun nóng trước khi ăn.

Hãy thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm sẽ góp phần giúp mỗi gia đình tận hưởng một bầu không khí Tết trọn vẹn yêu thương!

Tin cùng chuyên mục