NGÀY ĐỘT QUỴ THẾ GIỚI NĂM 2023: CHỦ ĐỘNG KIỂM SOÁT VÀ PHÒNG TRÁNH ĐỘT QUỴ

admin27/10/2023 08:38 AM

Đột quỵ não (thường gọi là đột quỵ hay tai biến mạch não) có hai thể lâm sàng chính: đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính được đặc trưng bởi sự mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não, dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng. Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là nhồi máu não (NMN) phổ biến hơn đột quỵ xuất huyết não (XHN) mà nguyên nhân là do nứt vỡ các động mạch trong não.

Bệnh đột quỵ là bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp. Các yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh tim mạch và đột quỵ là tăng huyết áp, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) cao, đái tháo đường, hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động. Trong đó, tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu (tăng mỡ máu) là 3 nguy cơ quan trọng đưa đến đột quỵ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và là nguyên nhân hàng thứ năm gây tử vong ở Hoa Kỳ . Hàng năm có khoảng 795.000 người ở Hoa Kỳ bị đột quỵ trong đó số người mới bị là 610.000 người và đột quỵ tái phát 185.000 người . Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng 82-92% đột quỵ ở đây là nhồi máu não.

Đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ; đàn ông da trắng có tỷ lệ đột quỵ là 62,8/100.000 dân, tử vong 26,3% trong khi phụ nữ có tỷ lệ đột quỵ là 59/100.000 dân và tỷ lệ tử vong là 39,2%.

Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi. (Theo QĐ 5331/QĐ-BYT). Mặc dù đột quỵ thường được coi là bệnh lý của người có tuổi nhưng 1/3 số đột quỵ xảy ra ở người dưới 65 tuổi . Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác. Tuy nhiên, nhiều người trẻ không nghĩ rằng mình bị đột quỵ, thờ ơ với các dấu hiệu, dẫn đến việc cấp cứu muộn và xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

Việc tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi rất đáng lo ngại vì nếu không được cấp cứu kịp thời đột quỵ sẽ để lại di chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến lao động chính của gia đình. Vì vậy, phòng ngừa và nhận biết đột quỵ là yếu tố quan trọng nhất.

Nhận biết và phòng ngừa đột quỵ.

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng, do đó việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng. Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như:

  • Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.
  • Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.
  • Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.
  • Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.
  • Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.

Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dự phòng đột quỵ và đảm bảo sức khỏe thông qua những hành động thiết thực dưới đây:

  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày, 150 phút mỗi tuần).
  • Chế độ ăn đúng: Giảm chất béo, giảm muối, tăng cường rau và trái cây.
  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
  • Khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là duy trì điều trị ở những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Trong đó, tập luyện thể dục là biện pháp không dùng thuốc được khuyến nghị mạnh mẽ để dự phòng đột quỵ. Bệnh nhân nên tập thể dục với cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Cấp cứu và điều trị đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não cần được điều trị càng nhanh càng tốt để giảm chảy máu và hạn chế mức độ tổn thương trong não. 

Bước đầu tiên là tìm ra nguyên nhân gây chảy máu trong não. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ chảy máu. Nhìn chung, quan trọng nhất trong điều trị đột quỵ xuất huyết não là:

- Kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, nhịp thở

- Kiểm soát chảy máu

- Kiểm soát huyết áp

- Giảm áp lực nội sọ

- Kiểm soát cơn co giật

Các thuốc được sử dụng có thể bao gồm:

- Thuốc chống động kinh để dự phòng co giật.

- Thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.

- Thuốc lợi tiểu thẩm thấu để giảm áp lực nội sọ trong khoang dưới nhện.

Phẫu thuật trong đột quỵ xuất huyết não vẫn còn đang bị tranh cãi nhiều. Nhưng phẫu thuật lấy khối máu tụ vẫn được xem là một phương pháp điều trị tiềm năng ở một số đối tượng.

Đối với các trường hợp xuất huyết não thứ phát do bất thường mạch máu (phình động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch não, rò động tĩnh mạch não) có thể cần điều trị can thiệp nội mạch.

Sau đó, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để vượt qua các khiếm khuyết do đột quỵ gây ra như: liệt và các vấn đề về vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và chữ viết, vấn đề tư duy và trí nhớ, rối loạn cảm xúc./.

Tin cùng chuyên mục