Bình đẳng giới trong đời sống xã hội, phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế

admin15/11/2024 08:57 PM

Bình đẳng giới trong đời sống xã hội, phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế.

Nói về vai trò, tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội, văn hào nổi tiếng người Nga-Macxim Gorky từng viết:

“ Trời không ánh sáng hoa nào nở

Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu

Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ

Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”.

Người phụ nữ được ví như ánh sáng mặt trời làm hoa cỏ của đất trời đâm chồi, nảy lộc, mang hương sắc đến cho cuộc đời thêm tươi vui. Phụ nữ được tạo hóa, ban tặng thiên chức cao quý là được làm mẹ, từ đó biết bao thế hệ anh hùng được sinh ra và nuôi nấng bởi những người mẹ anh hùng như thế. Bởi vì phụ nữ là một nửa thế giới, vậy nên thiết nghĩ một ngày nào đó một nửa ấy mất đi, thì còn đâu ánh sáng mặt trời ấm áp, còn đâu hương sắc cuộc đời, còn đâu hình bóng những người mẹ, người vợ sớm hôm tảo tần, ngày ngày thương yêu, và còn đâu anh hùng thi sĩ như Macxim Gorky nói là điều tất yếu.

Sự hiện diện của người phụ nữ trong cuộc sống mà nhiều người vẫn nghĩ nó quá đỗi bình thường và dung dị ấy bỗng nhiên trở nên vô cùng đơn điệu nhàm chán. Khi mất đi nét điểm tô cho cuộc đời, con người thoạt nhiên cũng trở nên nhạt nhòa, sống vô nghĩa bởi không có tình cảm, cũng chằng có chút lãng mạn, thi vị nào.

Sỡ dĩ nói nhiều như vậy là vì tôi muốn dành đôi dòng suy nghĩ của mình để nói về vấn đề bình đẳng giới trong xã hội đang từng ngày chạm đến những kho tàng văn minh nhân loại, nơi mà khi nhìn một cách tổng quan chung nhất, người ta thấy rằng sự bình đẳng giới đang được hiện diện một cách rõ ràng ở khắp mọi nơi, tuy nhiên sự thật chưa phải là như vậy.

Nhắc đến khái niệm bình đẳng giới, chắc đối với chúng ta cũng chẳng còn lạ lẫm gì. Đơn giản nó chỉ là sự công bằng, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và nhiều vấn đề khác trong đời sống xã hội giữa nam và nữ. Tuy nhiên, phải đến thời điểm trước đây không lâu khái niệm này mới được phổ quát rộng rãi. Thử nhắm mắt nghĩ một chút về quá khứ, nghĩ về thời phong kiến, nô lệ những người phụ nữ phải chịu thật nhiều đắng cay, tủi nhục. Ở thời ấy, người phụ nữ hầu như không được quan tâm, chưa được đối xử công bằng. Không biết từ đâu người phụ nữ bị áp cho cái tiêu chuẩn sống mà bản thân không hề có quyền chọn lựa của triết gia Khổng Tử, hơn nữa đây cũng chính là tiêu chuẩn để mọi người nhìn vào đánh giá đức hạnh của một người phụ nữ. Vâng, đã sinh ra là phụ nữ là phải “CÔNG - DUNG - NGÔN - HẠNH”. Chưa dừng lại ở đó, trong khi đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, phụ nữ lại phải chính chuyên một chồng. Tại sao lại có sự bất công như vậy, từ đâu đàn ông lại được ban tặng cái đặc quyền mà suy cho cùng nó có sự vô lý đến thế, và vì đâu phụ nữ lại phải nhẫn nhịn, chịu đựng  cảnh chung chồng, cùng san sẻ, chia sớt tình cảm như nhà thơ Hồ Xuân Hương đã viết:

“Chém cha cái kiếp lấy cồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

Nghe qua mà chua chát nhưng lại là thực tế của thời ấy.

Lại nói về việc đàn ông ngày xưa được xem là người lo chuyện quốc gia đại sự, đàn ông sinh ra chỉ xứng đáng gánh vác trọng trách gia đình, làm toàn công to chuyện lớn, lại thêm tính độc đoán trong gia đình, còn chỗ của phụ nữ từ khi sinh ra vỏn vẹn là trong xó bếp, còn chưa đủ- phụ nữ còn phải gánh vác trọng trách không hề nhẹ, cũng nhất là trong thời phong kiến là phải sinh cho bằng được con trai để nối dõi tông đường và cũng là để giữ cho mình còn có giá trị, vị trí trong gia đình chồng, nếu không muốn bị nói là không biết sinh con. Cái thời ấy người Phụ nữ dù có tài giỏi, có thông minh đến đâu cũng chỉ ngày ngày quẩn quanh làm đi làm lại những công việc thường nhật, luôn là hậu phương phía sau phục vụ từng bữa ăn, giấc ngủ cho người đàn ông. Suy cho cùng, những gì mà người phụ nữ phải chịu trong thời kỳ trước cũng đều xuất phát từ những quan niệm cổ hũ, lạc hậu đã được ăn sâu vào máu và tiềm thức của người Việt ta thời đó.

Dọc theo chiều dài địa lý của đất nước hình chữ S, cũng như bề dày lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam ta, chẳng khó khăn gì để kể về những người con gái anh hùng, những người phụ nữ giỏi giang chẳng thua kém gì cánh mày râu. Họ đã sống, đã cống hiến cả thanh xuân, công sức, trí tuệ, tình yêu thậm chí cả mạng sống cho nền độc lập, cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Tên tuổi của họ ngày ấy, bây giờ và cả mai sau có lẽ mãi mãi được xướng  tụng, ngợi ca. Sinh ra trong thời chiến, những người con gái anh hùng, chí khí ngất trời như hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, chị Võ Thị Sáu, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, hay mười cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc,... họ sẵn sàng đánh đổi quyền được chiều chuộng, được sống một cuộc sống thanh bình, yên ả theo đúng với nghĩa rằng phụ nữ sinh ra là phái yếu nên cần được yêu thương, chở che, họ đã sẵn sàng cống hiến cả sức trẻ, cả tuổi xuân của mình cho dân tộc. Những người con gái, người phụ nữ anh hùng ấy, họ thậm chí không thua kém gì nam giới. Không dừng lại ở việc là một nửa thế giới, mang hương sắc tô điểm cho cuộc đời, họ còn làm cả dân tộc ta tự hào vì có những người con đất Việt  tuyệt vời như họ.

Có thể nói, dù là ở thời chiến hay thời bình, từ ngày xưa hay ở hiện tại, sự tài giỏi và khí chất của người phụ nữ là điều mà bất cứ ai cũng phải công nhận. Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế của mình thông qua các vị trí, chức vụ, hay bằng những đóng góp của mình  không chỉ cho đất nước mà còn cho cả thế giới. Có biết bao chính trị gia, doanh nhân, nhà kinh tế, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ giỏi, chủ tịch các tập đoàn lớn là phụ nữ, thậm chí họ còn làm tốt và mang đến hiệu suất công việc hiệu quả hơn đàn ông rất nhiều. Một số người phụ nữ tôi muốn đề cập ở đây mà tôi nghĩ rằng hầu như ai cũng sẽ biết vì sự giỏi giang cũng như những đóng góp của họ cho nền kinh tế, chính trị nước nhà như :

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình;

Nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh;

CEO của hãng hàng không Vietjet Air bà Nguyễn Thị Phương Thảo;

Người được mệnh danh là “nữ tướng sữa”Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk)...

Tổng giám đốc Vietjet được biết đến là CEO nữ ít ỏi trong ngành hàng không thế giới. Với sự quản lý của bà Thảo, Vietjet Air sau bốn năm hoạt động, đến 2015 đã chiếm 40% thị phần vận chuyển hành khách trong nước, xếp thứ hai sau Vietnam Airlines. Còn bà Liên được bầu chọn là một trong những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư ([1]).. Bà được coi là người khai mở ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, đã mang đến những thành công vang dội khi đưa Vinamilk thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào hồi tháng 9/2015. Không chỉ là phụ nữ thành đạt nhất Việt Nam, bà Liên còn được tạp chí Forbes vinh danh 4 lần liên tiếp trong  top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Chỉ như vậy thôi cũng đã đủ để thấy phụ nữ Việt Nam ta tài giỏi và đáng để chúng ta học hỏi và hãnh diện  như thế nào. Đó là chưa kể đến việc họ vẫn làm rất tốt vai trò của một người vợ, người mẹ, là người chăm sóc và giữ lửa cho mái ấm gia đình.

Ấy thế, nhưng thực tế nhiều lúc quá đỗi phủ phàng, dù nói rằng đây là thời đại công minh và của công bằng bình đẳng giới, người phụ nữ phải được coi trọng và được đối xử công bằng. Tuy nhiên thực tế tư tưởng người dân vẫn chưa xóa hẳn định kiến cổ xưa rằng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Vâng, thà có một đứa con trai thì được xem là có con, còn dù cho có mười đứa con gái cũng được xem là không có. Ở một số vùng đồng bào dân tộc, một số huyện miền núi, các tỉnh vên biển hay thậm chí một số ít gia đình ở tại các thành phố lớn nhưng tư tưởng lạc hậu ấy vẫn còn, việc mong muốn con trai khi vợ mang bầu vẫn là thực trạng, tại các phòng khám tư nhân vẫn còn rất nhiều phụ nữ đi khám và canh trứng để có thể sinh được con trai, những bà bầu mong ngóng giới tính con, rồi nhiều cặp vợ chồng vì mong muốn con trai nên nào là tìm hiểu nghiên cứu đủ biện pháp để có được con trai, thậm chí còn đi xem bói đẻ năm nào để có con trai... Nói là văn minh, nhưng trên thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại hiện tượng nhiều cô dâu bị áp lực, bị xem nhẹ, dè bỉu, khinh thường khi làm dâu phải gia đình mà chồng mình là con một nên bắt buộc phải cố sinh cho bằng được con trai nối dỗi tông đường.

Nhiều năm gần đây, trong giới công chức viên chức một số người vẫn còn sinh con thứ ba. Nguyên nhân sâu xa của việc này cũng có một phần là từ việc thích có con trai hơn con gái, nên dù biết là vi phạm vẫn cứ sinh thêm với hy vọng có được con trai. Rất nhiều cặp vợ chồng quan niệm rằng có con trai đầu lòng cho chắc, hoặc chỉ cần một đứa con trai là vui vẻ cả nhà rồi.

Chính vì sự yếu kém nhận thức này mà đã tạo nên sự mất cân bằng giới tính sau sinh ở trẻ em trong vòng mấy năm qua mãi mà không khắc phục được, gây ra tỷ lệ mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ, tính tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đến thời điểm hiện tại tháng 11/2024 tỷ lệ giới tính khi sinh là 109 nam/ 100 nữ.

Lựa chọn giới tính (thích trẻ nam) thường thấy nhiều hơn ở các hộ gia đình có học vấn, kinh tế khá giả so với các hộ gia đình khó khăn. Việc mất cân bằng giới tính sẽ đưa ra thật nhiều hệ lụy, ảnh hưởng, đe dọa đến sự phát triển và ổn định của đất nước: Mất cân bằng giới tính đưa đến tình trạng thừa nam thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn, nam giới khó lấy vợ, một bộ phận có thể kết hôn muộn, hoặc không thể kết hôn. Tình trạng này cũng làm thay đổi cấu trúc dân số; Tan vỡ cấu trúc gia đình cũng như nhiều hệ lụy khác: Phụ nữ kết hôn sớm; Tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; Tăng bất bình đẳng giới. Thậm chí sẽ thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề như: Giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, điều dưỡng nữ... nguy cơ tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em tăng cao.

Có thể nói rằng việc mang thai và sinh nở theo tự nhiên dường như đã thay đổi quá nhiều bởi sự tính toán để làm thế nào có được con trai. Phải chăng việc phát triển vượt bậc của y học hiện đại cũng là tác nhân làm ảnh hưởng đến vấn đề bất bình đẳng giới, khoa học hiện đại thì con người kiểm tra được thời điểm rụng trứng, nắm bắt được cách tính toán để có được con trai và thậm chí còn phá bỏ thai khi phát hiện là con gái. Mặc dù đã có chính sách cấm không được thông báo giới tính khi mang thai để làm giảm phần nào nhưng giải pháp này chưa phải là triệt để, những thông tin về giới tính của con vẫn còn rò rỉ từ một số phòng khám tư nhân, ...

Dù nói rằng việc khoa học, y học và các biện pháp y tế phát triển là con dao hai lưỡi, kéo theo những hệ lụy khôn lường. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở ý thức người dân. Bản thân người dân chưa thấy được những tác hại của việc mất cân bằng bình đẳng giới, việc tệ nạn xã hội có thể xảy ra, dẫn đến những hậu quả không hề nhẹ. Vậy thì để ngăn chặn tình trạng này thì ngoài công tác tuyên truyền vận động của Dân số- Truyền thông- giáo dục sức khoẻ rất cần sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể để có những kỷ luật nghiêm minh, mạnh tay hơn nữa đối với việc những phòng khám tư nhân tạo điều kiện cho việc sinh con trai thì công tác bình đẳng giới cũng nên được thúc đẩy một cách hiệu quả hơn. Các gia đình cần thay đổi quan niệm về con trai, con gái, xóa bỏ đi những quan niệm lạc hậu, cổ hủ, lệch lạc về giới, từ đó cần chú tâm chăm lo để con mình khỏe, nuôi dạy con mình thành người tốt, có ích cho gia đình, xã hội.


Tin cùng chuyên mục