Tuyên truyền Kỷ niệm ngày CTXH 25-03

admin26/03/2024 07:57 AM

Bài viết tuyên truyền

kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-03-2024

1. Ý nghĩa sự ra đời của CTXH

Trên thế giới, Công tác xã hội (CTXH) đã được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua, mang đậm tính nhân đạo, xuất phát từ các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế, xuất hiện những vấn đề cần giải quyết cho xã hội như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, và giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng… Vì lí do này, công tác xã hội đã bắt đầu xuất hiện, tồn tại và hoạt động nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc những người kém may mắn, không có nơi nương tựa (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già …), giúp cho xã hội cùng tiến bộ hơn.

Tại Việt Nam, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020 với mục tiêu: “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số cả nước, đây là một con số không hề nhỏ cho trách nhiệm của ngành CTXH nói chung và của các nhân viên CTXH nói riêng.

Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.

2. Các hoạt động của đơn vị thực hiện CTXH

Tổ CTXH của TTYT Tuy An đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ, tư vấn và giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh. Thông qua các hỗ trợ tiếp đón, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về các dịch vụ khám, chữa bệnh; cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh; hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến, xuất viện…

Trong thời gian qua, các hoạt động công tác xã hội tại TTYT Tuy An luôn nhận được sự quan tâm, định hướng hỗ trợ và tạo điều kiện của Ban Giám đốc Bệnh viện, các hoạt động ngày càng chuyên môn và đạt những hiệu quả tích cực góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Tổ CTXH phối hợp với các tổ chức thiện nguyện cấp, phát cơm cho bệnh nhân tại Khu dinh dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Tuy An.

Ảnh: Phối hợp phát cơm từ thiện

Bên cạnh đó, Tổ cũng tích cực tìm kiếm và kêu gọi các nhà hảo tâm và mạnh thường quân giúp đỡ hoặc tài trợ nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ bệnh nhân trang trải phần chi phí chữa bệnh.

Ảnh: Tổ CTXH phối hợp với mạnh thường quân hổ trợ bệnh nhân

Mục tiêu của TTYT Tuy An là trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân tại Khoa khám bệnh, các bệnh nhân nội và ngoại trú tại bệnh viện; tăng cường các hoạt động thăm hỏi người bệnh nội trú tại các khoa, phòng; mở rộng các hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh và thông tin về hoạt động của Tổ nhằm kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ từ các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm; hoàn thành việc xây dựng các quỹ hổ trợ cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa việc triển khai thực hiện, nắm chắc các quy định của pháp luật về  bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của bệnh nhân và cán bộ nhân viên y tế. Qua đó, giúp cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện được thuận lợi, ngày càng nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá  tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục